Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký kết hợp tác.
Ngày 24-4, tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021.
Hội nghị thu hút 6.000 học sinh, sinh viên, người lao động đến tìm hiểu; đồng thời quy tụ gần 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng với 1.750 vị trí việc làm, du học, xuất khẩu lao động…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Sự kiện gồm ba hoạt động chính là: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT; Hoạt động của phiên giao dịch việc làm. Ngoài ra, còn có các hoạt động bên lề như: Trưng bày, giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành, mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ sơn ô tô…
Đáng chú ý, sự kiện này còn thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động và ký kết hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và xúc tiến việc làm của Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động liên hệ, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để có thể đưa học sinh vào thực hành, rèn kỹ năng tại doanh nghiệp ngay trong quá trình học. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được vào làm luôn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm luôn đạt mức gần 100%, với mức lương khởi điểm khá cao, từ bẩy đến tám triệu đồng/tháng/người, nhất là với ngành nghề chế biến bánh mỳ – bánh ngọt.
Những năm gần đây, TP Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người. Số người học nghề tăng lên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thủ đô tăng từ 34,2% vào năm 2010 lên 70,25% vào năm 2020, thuộc nhóm cao của cả nước, dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên 71,5% vào cuối năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động đổi mới tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động…
Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hà Nội là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của đất nước, tập trung đông đảo người lao động, nên việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cần được các bên quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa.
Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/ha-noi-chu-trong-gan-ket-giao-duc-nghe-nghiep-voi-thi-truong-lao-dong-643255/