Ở nhiều ngành nghề bậc trung cấp, cao đẳng, sinh viên sau khi ra trường có mức lương không thấp, đôi khi cao hơn cả lương khởi điểm của cử nhân đại học. Tuy nhiên, trường nghề vẫn không tuyển sinh đủ người học. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn mãi loay hoay tìm nhân lực.
Sinh viên Trường Cao đẳng Công thương TPHCM trong giờ thực hành dệt may
Đào tạo không đáp ứng nhu cầu
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may, với khoảng 3 triệu lao động đang làm việc. Dệt may luôn nằm trong tốp đầu ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, cũng là ngành có số lượng lao động lớn. Thế nhưng, phần lớn số lao động trong ngành dệt may hiện nay là lao động phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm; 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn. Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM Phạm Xuân Hồng cho biết, DN dệt may đang thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải, thiết kế sản phẩm… Đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. “Chỉ tính riêng TPHCM, mỗi năm ngành cần thêm 20.500 lao động. Trong đó, nhu cầu về lao động phổ thông chiếm 50%, công nhân kỹ thuật chiếm 30% và lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 20%. Đặc biệt, các DN dệt may bình quân mỗi năm cần tuyển khoảng 2.300 cử nhân, kỹ sư công nghệ, thiết kế… nhưng không có nguồn tuyển”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Ngành điện – cơ khí cũng đang “khát” nhân lực khi hàng năm, các trường đào tạo nguồn nhân lực này không đáp ứng đủ nhu cầu của DN. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, các DN trong ngành lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực, từ công nhân kỹ thuật đến kỹ sư. Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM Đỗ Thanh Vân thông tin: “Nhu cầu việc làm bình quân hàng năm để đáp ứng cho trên 1.500 DN hoạt động trong ngành cơ khí của riêng TPHCM là 9.000 lao động có tay nghề. Trong khi số lao động tuyển được chỉ dao động 50%-60% nhu cầu của DN”.
Chuyên gia về dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM Trần Anh Tuấn cho hay, trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Chính phủ phê duyệt, phát triển nguồn nhân lực cơ khí được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, đào tạo song song thực hành; hỗ trợ kinh phí để đưa giảng viên và công nhân giỏi đi đào tạo nước ngoài. Thế nhưng đến nay, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm như mong muốn.
Nhiều ưu đãi vẫn không có người học
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương TPHCM, nhận định, ngành dệt may, cơ khí ngày càng phát triển, nhu cầu nhân lực các ngành này tăng nhanh. Tuy vậy, trong mắt nhiều phụ huynh và học sinh, dệt may, cơ khí không phải là lựa chọn hàng đầu. Nhiều người ưu tiên học các ngành như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh… hơn là chọn dệt may, cơ khí vì cho rằng công việc nặng nhọc, lương thấp. Thực tế, khi học các ngành này, sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường đã được DN săn đón với mức lương dao động 10-25 triệu đồng/tháng. “Ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, chuyên ngành hóa nhuộm và da giày là 3 ngành truyền thống của trường. Hiện có 5 DN lớn tài trợ học phí cho sinh viên, năm cuối các em còn có thêm thu nhập từ việc thực tập ở DN, nhưng có ngành trường chỉ tuyển được 10 sinh viên/100 chỉ tiêu/năm”, TS Nguyễn Anh Tuấn nêu thực tế.
Nhiều ngành học hấp dẫn, được miễn giảm 100% học phí, cơ hội đi lao động nước ngoài… cũng không tuyển sinh được là tình cảnh các trường trung cấp đang đối mặt. TS Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Đầu năm nay, một số DN Australia đặt hàng tuyển dụng trên 100 sinh viên của trường sau tốt nghiệp, trong đó sinh viên chỉ cần nắm vững các kỹ năng như xây dựng, ốp lát tường, trình độ tiếng Anh đạt mức cơ bản, với mức lương 941 triệu đồng/năm. Nhưng nghịch lý ở chỗ là dù trường đã giới thiệu chương trình cùng nhiều chế độ đãi ngộ của DN, số hồ sơ trường nhận được rất ít. Có thể do tâm lý của không ít phụ huynh, học sinh chưa ưa chuộng các nghề này”.
Theo các chuyên gia, mùa tuyển sinh lớn nhất trong năm đang bước vào giai đoạn cao điểm. Hàng trăm ngàn học sinh lớp 12 bắt đầu có những hướng lựa chọn ngành nghề cho con đường tương lai. Việc học sinh quyết định lựa chọn trường nghề cần nhận được sự đồng thuận của phụ huynh; có như vậy tâm lý muốn làm thầy, không muốn làm thợ mới thay đổi và nguồn nhân lực kỹ thuật mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của DN.
Trường là cái nôi đào tạo nhân lực cho ngành xây dựng khu vực phía Nam. Không những vậy, khóa học “Công nghệ xây dựng Nhật Bản” được trường hợp tác với đối tác Nhật Bản 16 năm qua đã cung cấp hàng ngàn kỹ sư xây dựng cho phía bạn. Khi hết thời hạn visa kỹ sư 5 năm làm việc tại Nhật Bản, trở về Việt Nam, các em được DN trong nước săn đón với mức lương 35-50 triệu đồng/người/tháng. Nhưng tỷ lệ tuyển sinh của trường có ngành chỉ đạt 40% chỉ tiêu (ThS Nguyễn Bá Khiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM).